Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Con dao 2 lưỡi từ thuốc ngủ

Ai cũng mong có được một giấc ngủ ngon sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Nhưng không phải lúc nào cũng có giấc ngủ theo ý muốn. Nhiều người đã chọn cách dùng thuốc ngủ với hi vọng có thể “vỗ về” giấc ngủ.

Từ mất ngủ đến dùng thuốc ngủ
Mất ngủ là căn bệnh phổ biến hiện nay, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có xu hướng tăng nhanh do những căng thẳng trong cuộc sống hiện đại. Trước đây số người đến khám và điều trị mất ngủ chủ yếu gặp ở người trung niên và già, thì nay với áp lực công việc, thì số người đến khám và điều trị mất ngủ bao gồm cả những người trẻ tuổi (nhất là người làm việc trí óc). Theo thống kê chưa đầy đủ, số bệnh nhân đến bệnh viện khám và điều trị mất ngủ chiếm 10-25%.
Người bị mất ngủ thường rơi vào trạng thái mất cân bằng, mệt mỏi và cảm giác nặng nề, không có năng lượng. Mất ngủ kéo dài khiến người bệnh mất dần sự thông minh, nhanh nhẹn, thay vào đó là chậm chạp, suy nghĩ và phán đoán kém, không tập trung vào chi tiết, không nhớ việc ngay cả vừa mới xảy ra, dễ bị kích động bởi những chuyện nhỏ nhặt…ảnh hưởng rất lớn đến công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
Tất cả những lý do trên sẽ khiến cho người mất ngủ thường xuyên tìm đến các loại thuốc an thần gây ngủ để mong muốn có được một giấc ngủ ngon…Các thuốc này có khả năng thúc đẩy nhanh giai đoạn khởi động giấc ngủ, làm giảm thời gian thức tỉnh trong đêm và tăng thời gian ngủ. Tuy nhiên việc lệ thuộc vào thuốc ngủ là điều không nên.
Theo BS. Bùi Nguyên Kiểm (BV. Xanh Pôn - Hà Nội) việc sử dụng thuốc ngủ chỉ nên dùng trong thời gian ngắn khi cần phục hồi sau những sang chấn tinh thần nặng nề. Việc dùng lâu dài sẽ gây lệ thuốc thuốc và gây nhiều tác dụng không mong muốn, do đó không phải ai cũng dùng được thuốc ngủ.
Những người bị bệnh gan, thận, người cao tuổi càng hạn chế dùng thuốc ngủ càng tốt. Không được dùng thuốc ngủ sau khi uống rượu hoặc khi mang thai. Tương tự, người bị bệnh đường hô hấp cũng không nên dùng thuốc ngủ vì ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng thở ở não.
Thuốc ngủ không tạo giấc ngủ sinh lý
Anh Huỳnh Văn Thuận (32 tuổi, TPHCM): Công việc của tôi khá căng thẳng, hay phải suy nghĩ nên tôi thường bị mất ngủ và phải dùng thuốc ngủ. Tuy nhiên, thuốc ngủ chỉ giúp tôi ngừng suy nghĩ lo lắng, nhưng sáng mai dậy tôi thấy nặng đầu, uể oải, làm việc không hiệu quả.
Đó cũng là tình trạng mà Bà Lê Thị Huê – 76 tuổi ở Tiền Giang đang gặp phải: Tôi bị mất ngủ đã lâu và đêm nào tôi cũng phải uống thuốc mới ngủ được. Giấc ngủ chập chờn, mơ màng nên ngưng lại. Nhưng mà ngưng rồi thì mất ngủ nhiều hơn, trằn trọc cả đêm, thấy bủn rủn tay chân nữa nên lại dùng.
Nhiều người có thói quen sử dụng thuốc ngủ để hi vọng có thể ngủ tốt hơn. Nhưng thực tế đang chứng minh ngược lại, thuốc ngủ không thể tạo được giấc ngủ sinh lý mà đang “cưỡng chế” giấc ngủ. Nếu như giấc ngủ sinh lý mang lại tinh thần sảng khoái và cảm giác minh mẫn, nhanh nhẹn mỗi khi thức dậy thì thuốc ngủ lại khiến cơ thể phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, uể oải do tác dụng phụ của thuốc gây nên, có thể gây buồn ngủ vào ban ngày. Việc sử dụng thuốc ngủ lâu dài có thể khiến bạn lệ thuộc vào nó và khieens sức khỏe bạn giảm sút nhanh hơn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vu Nguyen