Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Kinh nghiệm chữa bệnh tiểu đường


Ảnh:

Tôi năm nay 51 tuổi, bị bệnh tiểu đường cách đây 7 năm, khi khám tỷ lệ đường huyết lúc đói là 15ml, khi thử tets lượng chịu đường lên đến 21ml. Đã có biểu hiện các biến chứng như tê bì đầu các ngón chân, ngứa nhiều, và mắt đã có hiện tượng mờ.

Khi mới phát hiện bệnh tư tưởng của tôi cũng rất hoang mang, lại chưa có nhiều kiến thức về bệnh nên ăn uống kiêng khem dẫn đến sức khỏe giảm sút. Cao 1,65m nhưng tôi chỉ nặng 52 kg, người thường mệt mỏi.
Sau khi tìm đọc các sách, tài liệu về bệnh tiểu đường kết hợp với lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa nội tiết, tôi dần làm chủ các sinh hoạt của mình.
Trong ăn uống tôi chỉ kiêng hẳn đường tinh luyện còn các loại hoa quả ít ngọt tôi vẫn ăn nhưng mỗi lần ăn không nhiều. Do còn đang công tác, để đảm bảo sức khỏe mỗi bữa ăn tôi dùng 2 bát cơm nhỏ ăn với nhiều rau, ăn thêm cá và hải sản, ít thịt nạc, dùng dầu ăn thực vật, không ăn mỡ động vật. Khi đi làm giữa hai bữa ăn chính nếu có cảm giác đói phải ăn ngay vài cái bánh mặn dành cho người tiểu đường, tuyệt đối không để hạ đường huyết rất nguy hiểm.
Có chế độ tập luyện thể thao đều đặn: Do người bị bệnh tiểu đường rất dễ bị hạ đường huyết khi vận động quá sức nên tôi chọn cho mình môn thể thao chính là đi xe đạp vì môn này phân phối năng lượng đều trong suốt quá trình tập luyện. Mỗi ngày sau giờ làm việc buổi chiều tôi thường đạp xe khoảng 10 đến 15 km, thỉnh thoảng buổi tối đi bộ vài ba km. Đặc biệt buổi sáng tôi duy trì bài tập thể dục của các nhà sư Tây tạng theo hướng dẫn tại cuốn “Suối nguồn tươi trẻ”. Tôi thấy đây là một bài thể dục rất bổ ích, không những cho người tiểu đường mà mọi người đều có thể tập để duy trì sức khỏe.
Có một điều rất quan trọng là người bệnh cần quản lý tốt chỉ số đường huyết kể cả khi đói và sau ăn. Hầu như người bệnh chúng ta thường chỉ quan tâm đường huyết khi đói mà ít quan tâm sau ăn. Nên biết rằng đường huyết sau ăn nếu cao quá 12ml thì cũng rất dễ dẫn tới các biến chứng. Để quản lý tốt chỉ số này người bệnh nên mua một máy đo để chủ động trong việc kiểm tra đường huyết mà không phụ thuộc nhiều vào thầy thuốc và bệnh viện. Việc sử dụng máy rất đơn giản, mọi người đều có thể tự làm được mà không cần đến thầy thuốc.
Duy trì tinh thần, tư tưởng thoải mái: Có ý thức về bệnh để có chế độ sinh hoạt hợp lý nhưng tuyệt đối không mang nặng tâm lý bị bệnh, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo cuộc sống tinh thần thoải mái, giúp quá trình điều trị có kết quả tốt hơn.
Nhờ có chế độ sinh hoạt hợp lý, kiểm soát tốt đường huyết nên hiện nay sức khỏe tôi được đảm bảo, cân nặng ở mức 58 kg, các chỉ số về đường huyết, cholesteron... đều ở mức cho phép, các biến chứng của tiểu đường không còn.
Tất nhiên chữa bệnh thì cần phải có tư vấn của bác sĩ nhưng theo tôi đối với bệnh tiểu đường bản thân mình tự làm bác sĩ cho mình là tốt nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vu Nguyen